Bài 91: Tại sao gọi Chúa Giê-su là "Con Vua Đa-vít"? | Dưới ánh sáng Lời Chúa
TGPSG -- Trình thuật Tin Mừng Chúa Nhật XXX Thường Niên, năm B sắp tới, kể lại phép lạ Chúa Giê-su chữa lành anh mù Ba-ti-mê ở thành Giê-ri-khô. Một trong những điểm đáng chú ý của câu chuyện là lời nài xin của anh mù, trong đó anh ta đã gọi Chúa Giê-su bằng tước hiệu “Con vua Đa-vít” : “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” (Mc 10,47.48).
Vậy, trong bài học hỏi tuần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem tại sao anh mù lại gọi Chúa Giê-su là “Con vua Đa-vít”, và tước hiệu “Con vua Đa-vít” có ý nghĩa gì?
- Cựu Ước loan báo Đấng Mê-si-a là “Con vua Đa-vít”
Tân Ước nhiều lần đề cập đến việc Chúa Giê-su được gọi là “Con vua Đa-vít”, sát chữ là “Con của Đa-vít” [υἱοῦ Δαυὶδ] (x. Mt 1,1 ; 9,27 ; 21,9 ; Mc 10,47.48 ; Lc 18,38.39). Vấn đề đặt ra là làm sao Chúa Giê-su lại có thể là “con vua Đa-vít” khi mà hai bên sống cách xa nhau cả ngàn năm?
Trước hết, Thiên Chúa đã dùng miệng của ngôn sứ Na-than mà hứa với vua Đa-vít rằng Người sẽ cho một đấng Mê-si-a xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít, và điều này được ghi lại trong 2 Sm như sau :
Đức Chúa báo cho ngươi biết là Đức Chúa lập cho ngươi một nhà. Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Trước mặt Ta, nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững, và ngai vàng của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời (2 Sm 7,11-12.16).
Theo dòng lịch sử thì dân Ít-ra-en vẫn biết rằng điều Thiên Chúa hứa đó đã được thực hiện khi vua Sa-lô-môn lên ngôi kế thừa ngai báu của vua cha Đa-vít và trở thành người trực tiếp thừa hưởng lời hứa ấy (x. 1 V 8,24-26).
Tuy nhiên, theo dòng lịch sử Ít-ra-en, sau khi vua Sa-lô-môn băng hà thì vương quốc Ít-ra-en cường thịnh mà vua Đa-vít đã dầy công gầy dựng đã rơi vào cảnh huynh đệ tương tàn, khiến đất nước bị chia đôi rồi trở nên suy yếu, và cuối cùng rơi vào tay ngoại bang. Trong nỗi đau mất nước, dân Ít-ra-en không mong gì hơn là Thiên Chúa thực hiện lời hứa ban Vị Cứu Tinh xuất thân từ dòng dõi Đa-vít để phục hồi lại vương quốc Ít-ra-en hoàng kim thuở nào.
Đáp lại niềm khắc khoải của dân, Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến loan báo rằng Ít-ra-en sẽ có một vị cứu tinh xuất hiện, và vị cứu tinh sẽ được gọi là “Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7,14), danh hiệu của vị cứu tinh ấy còn là :
Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hòa bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời (Is 9,5-6).
Và gốc gác của vị cứu tinh ấy được ngôn sứ I-sai-a xác định là từ gốc tổ Gie-sê (x. Is 11,1). Gie-sê chính là thân phụ của vua Đa-vít, là tổ tiên của con cháu nhà Đa-vít.
Trong khi đó ngôn sứ Giê-rê-mi-a thì loan báo sấm ngôn của Đức Chúa rằng: “Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít một chồi non chính trực” (Gr 23,5).
Từ đó, tước hiệu “Con vua Đa-vít” không chỉ là một cách tuyên bố về phả hệ theo huyết thống, mà còn là một tước hiệu của Đấng Mê-si-a.
- Chúa Giê-su làm cho ứng nghiệm lời hứa thiên sai
Như đã nói trên, kể từ khi vương quốc suy tàn, nhất là sau thời anh em nhà Ma-ca-bê thì trào lưu Mê-si-a xuất hiện mạnh mẽ và hướng tới vị cứu tinh là “Con vua Đa-vít”. Theo đó đã có những cuộc nổi dậy bằng vũ lực nhằm đánh đuổi ngoại bang để phục hồi vinh quang của vương quốc, nhưng tất thảy đều thất bại, vì người lãnh đạo không xuất thân từ dòng dõi Đa-vít.
Vậy khi Chúa Giê-su đến, niềm hy vọng về đấng Mê-si-a thuộc dòng dõi vua Đa-vít lại được thắp sáng. Theo đó, các tác giả sách Tin Mừng trình bày Chúa Giê-su chính là Đấng Mê-si-a toàn dân đang mong đợi như lời Thiên Chúa hứa với vua Đa-vít (x. 2 Sm 7,12.16).
Tác giả Tin Mừng Mát-thêu ngay từ đầu Tin Mừng của mình rằng : “Đây là gia phả Chúa Giê-su Ki-tô, con của Đa-vít, con của Áp-ra-ham” (Mt 1,1). Người chính là Đấng Mê-si-a (Ki-tô) là “Con vua Đa-vít” thuộc chi tộc Giu-đa (x. Mt 1,2).
Theo trình thuật truyền tin cho thánh Giu-se thì khi thiên sứ báo mộng cho thánh Giu-se thì thiên sứ gọi thánh Giu-se là “Con vua Đa-vít” (Mt 1,20), đồng thời truyền cho thánh Giu-se phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, nghĩa là thực hiện quyền làm cha của mình. Như vậy, theo pháp lý, thánh Giu-se thật sự là cha của hài nhi Giê-su, và vì thế hài nhi Giê-su được tháp nhập vào dòng dõi vua Đa-vít, nên Người chính là “Con vua Đa-vít”. Tuy nhiên, như đã nói, tước hiệu “Con vua Đa-vít” không chỉ là một tuyên bố về phả hệ nhân loại của Chúa Giê-su, mà đó còn là danh hiệu của Đấng Mê-si-a theo thiên sai luận vương giả như lời các ngôn sứ đã loan báo.
Thực tế, trong nhiều trường hợp, Chúa Giê-su đã chứng tỏ Người chính là Đấng Mê-si-a theo lời Thiên Chúa hứa với vua Đa-vít, nhất là khi Người thực hiện các phép lạ, khu trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật, cho kẻ chết sống lại… và qua đó dân chúng cũng nhận biết Người là Đấng Mê-si-a, nên nhiều lần họ đã gọi Người là “Con vua Đa-vít”, chẳng hạn như trong trình thuật Tin Mừng Chúa nhật XXX Thường niên, năm B này, trong đó anh mù đã hai lần kêu xin “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” (Mt 10,47.48).
Hoặc như khi Chúa Giê-su tiến vào thành Giê-ru-sa-lem với tư cách là “Con vua Đa-vít”, dân chúng lũ lượt theo sau và reo hò vang dậy rằng : “Hoan hô Con vua Đa-vít ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21,9), “Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại của Đa-vít, tổ phụ chúng ta” (Mc 11,10), “Chúc tụng Vua Ít-ra-en !” (Ga 12,13).
Tuy nhiên, song song đó, cũng nhiều người đã ngộ nhận về ý nghĩa của danh xưng “Con vua Đa-vít” khi họ chỉ nhìn theo phương diện chính trị xã hội. Chẳng hạn như sau khi Chúa Giê-su làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng những muốn tôn Chúa Giê-su làm vua, nhưng Người đã khước từ và lánh đi (x. Ga 6,5-14). Hoặc như sách Công vụ Tông Đồ cho biết sau biến cố phục sinh, các môn đệ vẫn còn hỏi Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không ?” (Cv 1,6). Theo đó, chúng ta thấy ngay cả các môn đệ là những người theo sát Chúa Giê-su, biết người là “Con vua Đa-vít”, mà lắm khi các ông vẫn còn mơ hồ về sứ vụ Mê-si-a của Chúa Giê-su, huống chi là những người ở ngoài. Vì thế, đã có lần Chúa Giê-su chất vấn những người Pha-ri-sêu và kinh sư như sau:
Các ông nghĩ sao về Đấng Ki-tô ? Người là con của ai ? Họ thưa : Con của vua Đa-vít. Người hỏi : “Vậy tại sao vua Đa-vít, được Thần Khí soi sáng, lại gọi Người là Chúa Thượng, khi nói rằng : Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi : bên hữu Cha đây, con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân con ? Vậy nếu vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì làm sao Đấng Ki-tô lại là con vua ấy được ?
Các tác giả Tin Mừng cho biết sau khi bị Chúa Giê-su chất vấn thì không ai đáp lại Người được một tiếng nào. Và từ ngày ấy, chẳng ai còn dám chất vấn Người về việc Người là “Con vua Đa-vít” nữa (x. Mt 22,42-45 ; Mc 12,35-37 ; Lc 20,41-44).
Theo đó, chúng ta cũng được Chúa Giê-su cho biết rằng Đấng Mê-si-a không chỉ là con vua Đa-vít xét về dòng dõi, mà Người còn là “Chúa Thượng” (κύριος) của vua Đa-vít xét theo thần tính. Ở một chỗ khác, tác giả sách Khải Huyền đã ghi lại lời Chúa Giê-su cũng phán rằng : “Chính Ta là cội rễ và dòng dõi Đa-vít” (Kh 22,16). Như vậy, khi nhập thể làm người, Con Thiên Chúa vừa là Chúa vừa là “con của Đa-vít”. Đối với chúng ta, việc Đức Giê-su là “Con vua Đa-vít” là bằng chứng về một Thiên Chúa yêu thương và thành tín, Người đã nói và Người sẽ giữ lời. Đó chẳng phải là niềm vui và là niềm hy vọng của chúng ta sao?
Cầu nguyện
Chúng ta cùng cầu nguyện bằng Tv 89 :
Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng,
qua muôn ngàn thế hệ
miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.
Vâng con nói :
Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu,
lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời”
Xưa Chúa phán :
“Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn,
đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta,
rằng : dòng dõi ngươi,
Ta thiết lập cho đến ngàn đời,
ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ
Xưa Chúa dùng thị kiến
phán bảo những người hiếu trung rằng :
“Ta phù trợ một trang dũng sĩ,
cất nhắc lên một người trẻ trong dân.
Ta đã tìm ra nghĩa bộc Đa-vít,
đã xức dầu thánh tấn phong người ;
Ta sẽ không ngừng đưa tay nâng đỡ,
tay quyền năng củng cố vững vàng.
Ta sẽ yêu thương Người và giữ lòng thành tín,
nhờ danh Ta, Người được thêm uy vũ.
Thế lực Người, ta cho trải dài đến Đại Dương,
chủ quyền Người,
cho mở rộng đến miền Sông Cả.
Người sẽ thưa với Ta :
“Ngài chính là Thân Phụ,
là Thiên Chúa con thờ,
là núi đá cho con được cứu độ !”
Phần Ta, Ta sẽ đặt Người làm trưởng tử,
cao cả hơn vua chúa trần gian.
Ta sẽ yêu thương Người đến muôn thuở
và thành tín giữ giao ước với Người.
Ta cho dòng dõi Người muôn năm tồn tại,
cho ngai vàng trường cửu tựa trời xanh.
Một khi đã thề với danh nghĩa là Đấng Thánh,
thì cùng Đa-vít, Ta chẳng thất tín đâu.
Dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ,
trước mặt Ta,
ngai báu Người bền vững tựa thái dương
muôn đời kiên cố như vầng nguyệt
đứng giữa trời cao
làm nhân chứng trung thành”.
Amen!
bài liên quan mới nhất
- Bài 103: Tiệc cưới Ca-na - Đôi điều thắc mắc | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 102: Sao Đức Giê-Su Lại Chịu Phép Rửa?| Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 101: Ba Vua, các Đạo Sĩ hay các Nhà Chiêm Tinh? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 100: Lễ Thánh Gia - Những cuộc hành hương theo luật Do Thái | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 99: Những cuộc Truyền Tin trong Kinh Thánh | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 98: Niềm trông đợi Đấng Me-si-a thời Đức Giêsu | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 97: Bối cảnh Do Thái thời Gioan Tẩy Giả | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 96: Cánh Chung luận theo Tin Mừng Luca | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 95: Ông là Vua sao? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 94: Các chứng nhân tử đạo | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa